Ngày 23 tháng 3 năm 2017, thầy và trò trường THCS Cộng Lạc đã dã ngoại tham quan di tích lịch sử Bạch Đằng Giang-huyện Thuỷ Nguyên -TP Hải Phòng, nơi chứng kiến ba lần chiến thắng lừng lẫy của nhân dân ta đánh quan giạc phương Bắc sang xâm lược nước ta.
Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang
Tràng Kênh – Bạch Đằng đã đi vào lịch sử dân tộc, vào tâm hồn và cuộc sống của nhân dân Việt Nam như một tượng đài chiến thắng, một biểu tượng của tinh thần yêu nước, của trí thông minh, sáng tạo và ý chí quyết thắng giặc ngoại xâm. Sông Bạch Đằng là cửa ngõ yết hầu từ phương Bắc vào nước ta. Càng ngược về thời kỳ xa xưa nó càng có vị trí cực kỳ quan trọng. Các nhà địa lý lịch sử đời Nguyễn khi biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí đã nhận xét rất xác đáng rằng: “Nước ta chống người phương Bắc chỗ này là chỗ cổ họng”. Nguyễn Trãi thì nói một cách hình tượng rằng đây là nơi quan ải do trời đặt ra thế hiểm yếu khiến hai người có thể chống được cả trăm người. Đây cũng là nơi lập công danh của các bậc anh hùng hào kiệt.
Trong hàng nghìn năm, sông Bạch Đằng là đường thủy duy nhất của chiến thuyền Trung Quốc vào nội địa Việt Nam, ít nhất là 7 lần: năm 111 trước Công nguyên (thời Hán Vũ Đế), năm 42 (Mã Viện, nhà Đông Hán), năm 545 (Trần Bá Tiên, nhà Lương), năm 722 (Dương Húc, nhà Đường), năm 938 (Hoằng Tháo, nhà Nam Hán), năm 981 (Hầu Nhân Bảo, nhà Tống), năm 1288 (Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, nhà Nguyên)…
Nhìn lại toàn bộ quá trình xâm lược nhằm nô dịch dân tộc Việt Nam của phương Bắc cho thấy, từ xa xưa người phương Bắc thường đi bằng 3 con đường chính: một là tuyến đường bộ từ hướng Lạng Sơn, hai là tuyến đường bộ từ Vân Nam tiến xuống và ba là bằng đường thủy men theo ven biển, qua vịnh Hạ Long vào sông Bạch Đằng rồi ngược lên sông Lục Đầu để tiến sâu vào nội địa nước ta.
Trên thực tế, con đường Lạng Sơn thì đến mãi thế kỷ thứ X mới được mở, còn đường từ Vân Nam xuống chỉ là hướng phụ, ít khi sử dụng vì đi lại hết sức khó khăn. Con đường chính và có thể coi như là duy nhất trong nhiều thế kỷ trước vẫn là hướng từ ven biển vào sông Bạch Đằng. Có nghĩa là suốt cả nghìn năm Bắc thuộc vùng Tràng Kênh – Bạch Đằng chính là nơi cửa ngõ mà kẻ thù liên tiếp đưa người sang nhằm mục đích đồng hoá, nô dịch dân tộc ta một cách ráo riết nhất. Tài liệu khảo cổ học cung cấp khu Tràng Kênh – Bạch Đằng từng là một trung tâm chính trị – kinh tế – thương mại thời Bắc thuộc…
Vùng cửa sông Bạch Đằng thực sự là một địa danh đặc biệt bởi trong một không gian không mấy rộng nhưng lại gắn liền với 3 trận thủy chiến. Đó là những trận chiến biểu tượng cho tinh thần của một dân tộc anh hùng, chống lại những thế lực ngoại xâm lớn mạnh gấp bội lần.
Lần thứ nhất xảy ra năm 938, khi quân Nam Hán do Hoằng Tháo dẫn 2 vạn thủy quân theo đường biển xâm phạm nước ta. Nghe tin, Ngô Quyền bèn tập hợp tướng lĩnh, chuẩn bị mọi mặt để chống giặc. Ông bày kế cho chế cọc gỗ nhọn, đầu bịt sắt đóng xuống lòng sông Bạch Đằng. Lúc thủy triều dâng, bãi cọc khuất hết, quân ta vừa đánh vừa nhử địch, đợi lúc thủy triều rút, mượn theo sức nước quân ta đánh thốc từ trên xuống. Thuyền quân Hán lớn, mắc vào bãi cọc, Ngô Quyền cho dùng thuyền nhỏ, luồn lách đánh quân Hán thua tan tác. Sau trận này Ngô Quyền xưng vương, tái lập ra nhà nước của người Việt, nên chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất được coi như tuyên ngôn độc lập của nước ta, sau hơn nghìn năm bị người phương Bắc đô hộ.
Năm 981, giặc Tống xua quân xâm chiếm nước ta. Đạo quân thủy do tướng địch Hầu Nhân Bảo thống lĩnh vào đến Lục Đầu Giang thì thất trận, mới tháo chạy theo hướng Bạch Đằng. Lúc này, Lê Hoàn cho quân sỹ đóng cọc ở cửa sông, giăng bẫy đợi sẵn. Ngày 28-1, quân Tống đang thoái thủy thì bị chặn đánh, thấy quân ta ít, địch nghĩ có thể đánh một trận oai thù. Vừa khi thủy triều đổi hướng, quân ta giả thua bỏ chạy ra cửa biển, quân Tống thúc thuyền đuổi theo. Chiến thuyền của địch lao đầu vào bãi cọc, kẻ chết đuối, người bị truy kích, cả Hầu Nhân Bảo cũng chết trong đám loạn quân ấy. Đấy là chiến thắng Bạch Đằng lần thứ hai, đưa tên tuổi vua Lê Đại Hành trở thành lừng lẫy.
Lần thứ ba, gắn liền với tên tuổi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, khi ông cùng vua tôi nhà Trần đánh tan giặc Nguyên Mông. Ấy là năm 1288, Mông Cổ là một đội quân hùng mạnh nhất thế giới bấy giờ, không chỉ chiếm được Trung Hoa, mà gót ngựa nhà Mông còn làm mưa làm gió ở châu Âu. Nhưng dù đã hai lần tràn xuống nước ta, quân Mông đều thua trận, cay cú, chúng quyết tâm khởi binh lần thứ ba.
Lần này, thủy tướng địch Ô Mã Nhi thống lĩnh 5 vạn quân tiến vào vùng sông Hải Phòng. Sử sách ghi lại rằng: “Thủy quân Đại Việt mai phục phía sau các hang ghềnh, lạch nhỏ, còn bộ binh bố trí ở hai phía bờ Quảng Yên và Tràng Kênh. Giáp trận, quân ta theo kế cũ nhử địch vào thủy trận, rồi ồ ạt tổng phản công khiến quân địch không kịp trở tay. Quân ta thu được hơn 400 chiến thuyền, bắt sống tướng địch Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ…”.
Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tràng Kênh – Bạch Đằng đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử – danh thắng cấp quốc gia tại Quyết định số 313VH/QĐ ngày 23-4-1962 và khoanh vùng giới hạn bảo vệ tuyệt đối tại Quyết định số 12 VHTT/QĐ..
Ghi lại chiến thắng của dân tộc qua các thời kỳ chống ngoại xâm, chúng ta có sách lịch sử, có các viện bảo tàng, có các tác phẩm văn học nghệ thuật… Các lớp người đời sau muốn biết về công lao người các đời trước, muốn phát huy truyền thống anh hùng của người đời trước, chúng ta cần có nhiều sử liệu, trong đó cần có di tích lịch sử gắn liền với thắng cảnh thiên nhiên. Khu di tích Tràng Kênh – Bạch Đằng được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt sẽ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu sâu các giá trị lịch sử, khảo cổ học và giá trị thẩm mỹ. Di tích chỉ có một không thể có hai, đang tiềm ẩn biết bao giá trị quý báu về lịch sử, khảo cổ, văn hóa, quân sự và du lịch…
Tượng đài Đức vương Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành, Tiết công quốc chế Trần Quốc Tuấn tại di tích Bạch Đằng Giang
Bãi cọc nhấn chìm chiến thuyền quân xâm lược
Toàn cảnh sông Bạch Đằng, nơi nhấn chìm quân xâm lược phương Bắc.